Chuyện cảnh sát có quyền nổ súng ở Mỹ

Ôtô - Xe máy

» » » Chuyện cảnh sát có quyền nổ súng ở Mỹ


Chuyện cảnh sát có quyền nổ súng nếu bị đe dọa thì nước nào cũng có. Mỗi nơi một khác.

Trang bị trong xe cảnh sát
Xin kể một chuyện lái xe bên Mỹ. Mấy năm trước, có lần tôi đi xe hơi qua khu gần chỗ đỗ xe của Pentagon (Lầu Năm Góc). Khu này an ninh rất cao nên tốc độ hạn chế là 25 miles (40km)/giờ. Thấy một xe khác đang bị cảnh sát kiểm tra, tôi không muốn phiền nên phóng vọt qua.
Đi được 2 phút khi sắp lên cao tốc 395 thì thấy một xe cảnh sát đã bám đuôi, bật đèn lập lòe và hụ còi, ra hiệu tôi phải dừng lại.
Tạt xe vào lề đường và theo thói quen như ở Việt Nam, tôi mở cửa xe và định tiến lại vị cảnh sát để trình giấy tờ.
Viên cảnh sát quát rất to “Back to your car – Hãy quay lại xe” và tay đã cầm vào báng súng, như có vẻ sẵn sàng nổ súng nếu tôi bước thêm. Tôi chợt hiểu ra nguy hiểm và đã quay vào xe.
Theo luật lái xe bên Mỹ, nếu bị cảnh sát kiểm tra, lái xe phải dừng xe, tạt vào lề đường, tắt máy,  ngồi im trên ghế, hai tay để trên vô lăng. Những người đi cùng phải để hai tay lên thành ghế phía trước. Những động thái này chứng tỏ những người trong xe không mang vũ khí và tuân lệnh nhà công quyền.
Sau 10 phút dừng xe, tất cả phải ngồi im, đợi viên cảnh sát tới. Có lẽ anh ấy kiểm tra số đăng ký xe, tìm thông tin về chiếc xe và cả chủ xe trên cơ sở dữ liệu điện tử.
Viên cảnh sát tiến đến từ phía sau và gõ cửa kính. Khi đó tôi mới được kéo cửa kính xuống và đợi lệnh.
Anh ta nói, cho xem bằng lái xe. Sau khi đối chiếu với thông tin trên máy tính, viên cảnh sát hỏi, anh có biết anh vi phạm gì không. Tôi lắc đầu tỏ vẻ không hiểu.
Anh hỏi lại, có biết hạn chế tốc độ chỗ vừa đi qua là bao nhiêu. Tôi nói ngay là 25 miles vì qua đây rất nhiều lần và còn biết có một xe cảnh sát lúc nào cũng trực ở đó.
Hỏi lại lần nữa là tôi có nhớ đi tốc độ lúc đó là bao nhiêu. Tôi giải thích là vì nhìn thấy xe cảnh sát đang kiểm tra ai đó nên tôi vọt ga, có thể tốc độ lên 30 hoặc 35 miles. Viên cảnh sát nói, anh đã vi phạm tốc độ, vì hệ thống của anh ghi được tốc độ lúc đó là 45 miles.
Tuy nhiên, anh kiểm tra dữ liệu thì thấy tôi chưa bao giờ vi phạm kể cả vượt tốc độ. Xem mặt mình chắc cũng hiền và ngố nên anh chỉ cho một cái vé cảnh cáo, một năm sau thì hết hạn. Không bị phạt, may ơi là may, vì ở Virginia mà vượt tốc độ thì giá lên cả ngàn đô la, trong đó có 600$ phạt trách nhiệm công dân.
Nhưng viên cảnh sát hỏi rất kỹ, tại sao anh ra khỏi xe. Tôi giải thích, ở Việt Nam đã quen rồi, mỗi khi bị cảnh sát giao thông dừng xe thì phải ra khỏi xe và mang giấy tờ tới cho cảnh sát. Công dân không được ngồi chễm chệ trong xe như bên Mỹ, vì như thế là không tôn trọng cảnh sát.
Anh cảnh sát giải thích, ở đây, lái xe mà bước ra khỏi xe là có ý chống lại cảnh sát và có thể bị bắn. Vì thế xe dừng, mọi người trên xe phải để tay lên thành ghế để chứng tỏ mình không có vũ khí, gây nguy hiểm cho người thi hành công vụ.
Nghe xong, mới hoảng hồn. Chút xíu nữa thôi, mình đã toi vì tỏ thái độ “chống cảnh sát”.
Sau này tìm hiểu mới biết, cảnh sát Mỹ có quyền nổ súng vào dân nếu có thái độ chống đối hay tỏ ra nguy hiểm sau khi đã cảnh báo.
Tuy nhiên khi bắn thì cần có chứng cứ trước tòa là tại sao bắn và lý do. Nếu không có lý do chính đáng thì cảnh sát phải đi tù và bồi thường cả triệu đô la nếu phía bị hại kiện. Để làm chứng cần có đồng nghiệp, người đi đường, cả thông tin trao đổi trên điện thoại và bộ đàm.
Xe cảnh sát khi bắt lái xe vi phạm có đèn pha rất sáng, chiếu từ phía sau. Camera bật lên và ghi lại toàn bộ sự kiện xảy ra bao gồm âm thanh và hình ảnh và truyền về trung tâm. Khi cần, tòa yêu cầu bên cảnh sát đưa video lên làm chứng. Cảnh sát làm liều hay đúng pháp luật có thể biết ngay.
Ở một quốc gia “tam quyền phân lập”, tòa án và luật sư hoạt động độc lập với chính quyền, nên cảnh sát khó mà làm sai. Bắn người trái pháp luật phải vào tù như các công dân khác. Luật sư bên Mỹ làm tiền rất giỏi, nếu cảnh sát hay chính quyền sai, thì họ giúp người bị hại kiện tới chốn luôn và thường lấy 30% tiền phạt.
Còn nhớ mấy năm trước, em sinh viên VN ở California bị cảnh sát đánh, và luật sư giúp cãi thắng trước tòa. Phía cảnh sát phải chịu phạt 90.000 đô la, mình đoán phía luật sư được hưởng 30.000$.
Ở một quốc gia mà dân số 330 triệu nhưng có 350 triệu khẩu súng cá nhân, việc cảnh sát có quyền nổ súng khi bị đe dọa cũng là bình thường.  Dân và cảnh sát phải có quyền ngang nhau trong đó có quyền tự vệ chính đáng và bình đẳng trước pháp luật.
(Theo HM. Blog 15-03-2013)

Share

You may also like

Không có nhận xét nào

Leave a Reply

Thư giãn