(http://infonet.vn) - "Trước đây nhà nước cho phép người dân được mua, sử dụng xe không chính chủ. Giờ lại đột ngột mang ra xử phạt. Người dân không thể cứ chạy theo chính sách được".
Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Infonet xoay quanh chủ trương xử phạt xe không chính chủ, TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông cho rằng, với khoảng 20 triệu trên tổng số gần 40 triệu xe máy không chỉnh chủ hiện nay, nếu chỉ có vài tháng làm thủ tục sang tên là quá gấp gáp, không thể làm kịp.
T.S Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, khi hạ tầng cơ sở chưa hoàn chỉnh, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn thì không nên áp dụng mức xử phạt nặng. Ảnh IT
TS Thủy cũng thẳng thắn cho rằng, hiện thu nhập và đời sống của người dân đang gặp nhiều khó khăn, nếu áp dụng mức hình phạt quá cao sẽ càng khiến người dân thêm khổ.
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian áp dụng xử phạt xe không chính chủ từ thời điểm 1/7 là quá gấp. Quan điểm của TS thế nào về vấn đề này?
Tôi đồng tình với ý kiến trên. Chúng ta đều biết, cả nước hiện có khoảng 40 triệu ô tô, xe máy, trong đó có gần 20 triệu xe không chính chủ. Với một số lượng xe quá lớn như vậy, trong khi cơ quan giải quyết về vấn đề này lại rất ít, nếu thời điểm áp dụng từ 1/7 này sẽ quá gấp.
Nếu cứ cố thực hiện sẽ xảy ra tình trạng người dân xếp hàng chờ đợi làm thủ tục sang tên đổi chủ, gây bức xúc nhiều trong nhân dân.
Vậy theo TS nên áp dụng vào thời điểm nào thì phù hợp?
Thời gian áp dụng có thể đối với ô tô trước, xe máy sau vì lượng ô tô ít hơn nhiều, mặt khác các thủ tục đăng ký mua bán cũng chặt chẽ hơn. Để không gây ra nhiều áp lực, đối với ô tô có thể áp dụng thời gian xử phạt từ cuối năm 2013. Với xe máy có thể tiến hành vào giữa năm sau.
Một trong những vấn đề lo ngại hiện nay khi làm thủ tục là việc đi tìm chủ cũ của chiếc xe. Theo TS cần phải có cơ chế chính sách gì để giảm tối đa sự phiền hà cho người dân khi đi làm thủ tục?
Đúng là khi triển khai người dân sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như vậy. Vì thực tế cho thấy đa số các phương tiện được mua đi bán lại nhiều lần. Người đang sở hữu chiếc xe hiện tại không hề biết chủ cũ đang làm gì, sống ở đâu, Việt Nam hay nước ngoài…? Làm sao có thể tìm được họ?
Khắc phục tình trạng này, trước tiên Bộ GTVT và Bộ Công an cần tìm và đưa ra giải pháp tối ưu, làm sao để người dân làm thủ tục một cách đơn giản nhất. Theo tôi, trong những trường hợp khó tìm ra chủ cũ, người chủ phương tiện chỉ cần xin xác nhận của địa phương (xã, phường), chứ không cần phải có chữ ký của người chủ cũ. Làm vậy sẽ bớt phiền hà cho dân.
Đã có những ý kiến cho rằng việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với xe không chính chủ là không phù hợp. TS nghĩ sao về việc này?
Quả đúng như vậy. Việc xe không chính chủ không liên quan đến an toàn giao thông. Xe tôi mua có giấy tờ đầy đủ, sao lại có thể là xe ăn cắp được. Vì thế không nên nhập hai nội dung lại làm một, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người dân.
TS nhận định như thế nào về mức xử phạt quy định trong dự thảo của Bộ GTVT?
Người ta cứ nghĩ phải phạt thật nặng dân mới sợ. Đó là tư tưởng sai lầm. Mỗi chính sách đưa ra phải phù hợp và đi vào cuộc sống. Trước đây nhà nước cho phép người dân được mua, sử dụng xe không chính chủ. Giờ lại đột ngột mang ra xử phạt. Người dân không thể cứ chạy theo chính sách được.
Mức phạt thế nào là phù hợp thì phải xem xét đến điều kiện kinh tế của người dân. Nếu chẳng tính đến điều này, cứ phạt thật nặng thì chỉ khiến người dân thêm khổ.
Xin cảm ơn TS!
Không có nhận xét nào