(TT - 01/05/2013 09:10) - Ông Đào Trung Chính - phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường) - khẳng định việc sửa đổi Luật đất đai kỳ này sẽ tập trung chấn chỉnh tình trạng tùy tiện thu hồi đất, giải quyết thỏa đáng lợi ích của người dân có đất bị thu hồi.
Ông Chính cho biết:
- Có thể nói rất nhiều nội dung của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã được góp ý khi tổ chức lấy ý kiến. Trong đó, những nội dung như vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thật sự được bàn góp ý rất sôi nổi.
Ở góc độ người dân, nội dung góp ý tập trung nhất là đề nghị dự thảo luật phải quy định rõ trường hợp nào Nhà nước thu hồi đất, trường hợp nào các nhà đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất. Nhiều ý kiến của các nhà khoa học và người dân cũng nêu phải thu hẹp phạm vi Nhà nước thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế.
Đặc biệt là luật sửa đổi phải giải quyết được thỏa đáng quyền lợi của người dân sử dụng đất, khắc phục những bất cập trong quy định giá đất khi bồi thường, đảm bảo tính khả thi của dự án, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của cả người sử dụng đất và chủ đầu tư.
* Mới đây ở huyện Tiên Lãng lại nóng lên câu chuyện một dự án có quyết định thu hồi đất từ năm 2004, chủ đầu tư đã bỏ tiền tỉ bồi thường, đa số người dân đã được đền bù nhưng dự án vướng mắc vì còn một số hộ khiếu nại đến tận bây giờ nhà đầu tư vẫn chưa được bàn giao đất. Cuối cùng quyền lợi của ba nhà: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân đều lỡ dở. Luật đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết vấn đề này ra sao, thưa ông?
- Tôi cũng đã nắm thông tin về câu chuyện này. Đúng là một dự án tới tám năm không triển khai được, chắc chắn cả ba bên: Nhà nước, nhà đầu tư, người dân cùng thiệt. Ở đây ngoài vấn đề về chính sách còn cả chuyện cách thức tổ chức thực hiện, trong đó có vấn đề về vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý trong tổ chức thực hiện chưa tốt.
Qua lấy ý kiến nhân dân cũng cho thấy khi thu hồi đất vào mục đích an ninh, quốc phòng, công trình công cộng không có điều tiếng gì, ngược lại việc thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế vẫn còn chỗ này chỗ kia bị kêu. Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) kỳ này quy định rõ ràng, chi tiết hơn.
Ví như đối với những dự án phát triển kinh tế thuộc phạm vi Nhà nước thu hồi đất, sau quá trình thu hồi sẽ không giao đất cho chủ đầu tư ngay, tất cả những dự án này đều phải làm quỹ đất sạch, sau đó cho các nhà đầu tư đấu giá để làm dự án.
Về cơ chế cũng sẽ không còn quy định thu hồi đất theo chỉ định của nhà đầu tư, mà chủ yếu thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm.
Việc thu hồi đất không dùng vốn của nhà đầu tư để thu hồi đất, mà dùng nguồn ngân sách. Ngân sách sẽ lấy từ tiền đấu giá quyền sử dụng đất để không phải phụ thuộc vào nhà đầu tư. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất tới đây chắc chắn phải làm rất chi tiết, không chi tiết sẽ không được HĐND cấp tỉnh cho qua, sau đó vẫn phải chịu sự giám sát của HĐND.
* Với chủ đầu tư thì sao, thưa ông?
- Về phía chủ đầu tư, chắc chắn tới đây không phải chủ đầu tư nào muốn làm dự án có thu hồi đất cũng được. Việc thu hồi đất sẽ được siết chặt qua xem xét năng lực của chủ đầu tư. Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này quy định thêm về điều kiện chủ đầu tư phải có năng lực tài chính, phải chứng minh năng lực qua kiểm toán và phải ký quỹ, nếu không thực hiện thì thu tiền ký quỹ.
Chưa hết, chủ đầu tư còn bị xem xét cả “tiểu sử”, nếu trước đó chủ đầu tư đã có những dự án được giao nhưng để đất bỏ hoang, hoặc đang còn dự án bỏ hoang sẽ không giao đất cho làm tiếp. Còn đối với người dân, vấn đề dự thảo luật lần này đặt ra là tập trung giải quyết vấn đề bảo đảm mức bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng. Việc giải quyết khiếu nại về bồi thường, hỗ trợ sẽ hạn chế vai trò của cơ quan hành chính mà tăng vai trò của tòa án, tổ chức tư vấn giá đất để bảo đảm tính khách quan trong giải quyết.
* Hiện nay, tâm tư của người dân trong vùng bị thu hồi đất đều cho rằng giá bồi thường là chưa thỏa đáng, thực tế này dẫn tới tỉ lệ khiếu kiện trong thu hồi đất chiếm tới 70-80%. Luật đất đai (sửa đổi) có đổi mới ra sao trong xác định giá đất bồi thường để đảm bảo tương xứng quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi?
- Thực tế vấn đề giá bồi thường còn nhiều ý kiến. Qua lấy ý kiến, nội dung về giá đất có tới gần 660.000 lượt ý kiến góp ý, trong đó gần 500.000 lượt ý kiến đồng ý với phương án 2 - phương án dùng bảng giá đất trong các trường hợp thực hiện nghĩa vụ tài chính trong sử dụng đất, còn giá đất bồi thường sẽ xác định cụ thể. Do vậy ban soạn thảo đã chọn phương án này để trình Quốc hội cho ý kiến.
Thực tế nếu bảng giá đất dùng chung cho tất cả các mục đích thì có mặt hạn chế khi điều chỉnh bảng giá đất theo hướng sát với giá thị trường, người dân phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính như thuế, phí sử dụng đất - số người phải thực hiện nghĩa vụ tài chính lớn gấp nhiều lần số người bị thu hồi đất, sẽ có phản ứng vì số tiền phải nộp lớn.
Ngược lại nếu bảng giá đất thấp, người bị thu hồi đất cũng phản ứng vì đền bù chưa tương xứng.
Vì vậy, dự thảo đề xuất dùng bảng giá đất để làm căn cứ trong các trường hợp tính tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; tính tiền thuê đất hằng năm không thông qua hình thức đấu giá; tính các khoản thuế liên quan đến đất đai; tính phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất đai.
Còn đối với các trường hợp như tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào nguyên tắc, phương pháp định giá đất, quyết định giá đất cụ thể.
Không có nhận xét nào