Coi chừng trái tim để nhầm chỗ

Ôtô - Xe máy

» » » Coi chừng trái tim để nhầm chỗ


TT - Thanh tra Chính phủ về tận Kiên Giang họp dân để nghe chuyện đất đai. Định mời 53 người nhưng cả trăm người đến dự, cuộc “đối thoại” thành “độc thoại”, nghe dân tố chuyện đất. Nổi bật nhất là dân kêu tình trạng thu đất cho dự án, dự án không làm hay phá sản, không trả lại cho dân mà chia cho cán bộ hay xàng xê sang các dự án khác.


Dân không còn đất, dù là đất cha ông khai sơn phá thạch để lại, đành đi làm thuê, nghĩa là “làm thuê ngay trên đất của mình”! Rất có thể mọi sự vẫn “được vận dụng đúng pháp luật” và cần được làm rõ từng trường hợp, nhưng chỉ trong phạm vi cuộc họp này đã có 155 người dân xin lại đất bị lấy ngang xương!
Họ không “đòi” mà “xin” vì đã hàng chục năm nay, đi kiện đi đòi có được đâu, hao công tốn của mà đất vẫn không có. Nay có cán bộ trung ương về, không đòi được thì “xin” vậy. Nghe nói tỉnh Kiên Giang đang chỉ thị cho cấp dưới thanh tra, kiểm tra làm cho rõ đúng sai.
Hi vọng chuyện tréo ngoe đạo lý này được xử lý nghiêm theo luật pháp, tách bạch được đâu là “hậu quả lịch sử”, đâu là kẻ lợi dụng phù phép pháp luật để trục lợi. Mục đích tối thượng như đã ghi trên ngọn cờ cách mạng là “đất của người cày” chứ không để mấy ông ăn lương cho thuê “cải thiện” thêm nhà lầu xe hơi nữa.
Cái hố giàu nghèo được khoét sâu thường để kê chỗ cao càng cao mãi, chỗ thấp càng thấp mãi. Đây không chỉ là chuyện vi phạm luật pháp nữa mà đụng đến chiều sâu thẳm của lương tri con người. Mấy chữ “dân là gốc” đang bị quên lãng, đùa cợt.
Suy cho cùng, sinh ra đội ngũ cán bộ làm gì nếu không để lo cho dân? Vì dân đóng thuế nuôi họ, dân đổ xương máu bảo vệ cho đất nước được trường tồn, mọi người được yên ổn làm ăn, mưu cầu hạnh phúc. Có người giỏi người dốt, người giàu người nghèo, nhưng xã hội lành mạnh thì ai cũng có phần của người nấy.
Người ít may mắn hoặc trời sinh kém khả năng mưu sinh thì có cuộc sống vất vả hơn người giỏi giang cũng là chuyện bình thường. Xã hội tồn tại bình ổn và phát triển được chủ yếu nhờ cái chất kết dính mà thú vật không có là tình người. Nếu không còn tình người thì tinh thần “thượng tôn pháp luật” sẽ được bẻ cong, lạm dụng để chui qua được nhiều khe hở, thời nào cũng sẵn cho kẻ tham lam ranh ma. Đất thuộc sở hữu toàn dân, thu hồi đất để “phát triển kinh tế - xã hội” thường bị phù phép thành “sở hữu cá nhân”, “phát triển” (tức là làm giàu) thay vì cho toàn xã hội thì lại rơi vào một số cá nhân quyền chức mà bây giờ hay gọi là “nhóm lợi ích”!
Hoàn thiện, nghiêm chỉnh thi hành luật pháp về đất đai có ý nghĩa sống còn với một dân tộc sống nhờ đất, đi lên từ đất như nước ta. Chúng ta đang hi vọng Luật đất đai đang bàn thảo sửa đổi sẽ góp phần giải quyết những gay cấn, tranh chấp, thậm chí đau thương trong chuyện đất đai. Nhưng pháp luật phụ thuộc chủ yếu vào người thực thi pháp luật.
Chúng ta không đề cao độc tôn đức trị nhưng pháp luật bao giờ cũng do con người thực thi, vận dụng. Vì con người, luật pháp cần những trái tim người. Bộ máy trung ương và địa phương với đội ngũ cán bộ chuyên trách là những người lo chuyện đất đai và cuộc sống của dân, cái gốc của dân tộc. Nhìn thấy “bà con ngồi đây nhiều gương mặt khắc khổ quá” như ông phó ban Thanh tra Chính phủ đã nói tuy quá muộn nhưng còn hơn không. Nhiều năm nay làm giàu được khuyến khích, có cơ hội cho tất cả mọi người. Nhưng nếu những con người được giao trọng trách lo cho dân đặt trái tim mình nhầm chỗ, chỉ biết rung động vì lợi ích của mình, say sưa với những dãy số trong tài khoản riêng mà không còn xúc động trước nỗi đau của dân, không nhìn thấy “nhiều gương mặt khắc khổ của dân” thì cái hố giàu nghèo càng sâu thêm mà thôi.

Share

You may also like

Không có nhận xét nào

Leave a Reply

Thư giãn