Con tem lừa dối!

Ôtô - Xe máy

» » Con tem lừa dối!


TT - Rất nhiều người dân, chuyên gia đã giật mình bởi ông Trần Văn Vinh, tổng cục phó Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, khẳng định mũ bảo hiểm có dán tem CR (một loại tem chứng nhận cho mũ bảo hiểm) cũng chưa chắc đảm bảo chất lượng.


Điều này có nghĩa rất nhiều người tin tưởng chọn mua mũ có tem thời gian qua đã... bị hớ và người tiêu dùng vẫn chưa thật sự được bảo vệ, mặc dù cơ quan quản lý đã yêu cầu doanh nghiệp thử nghiệm mới cho phép dán tem.
Con tem dán trên các mũ bảo hiểm sẽ chẳng có giá trị gì, nếu nó không đảm bảo mũ đã được kiểm nghiệm và đảm bảo chất lượng. Các cơ quan như quản lý thị trường thời gian qua thấy mũ không có tem là thu giữ, làm rõ.
Theo ông Trần Văn Vinh, đúng là muốn được dán tem, doanh nghiệp sẽ phải kiểm nghiệm cả quy trình sản xuất, phải thử nghiệm mũ nhưng sau đó doanh nghiệp có sản xuất mũ theo đúng tiêu chuẩn đã được kiểm định hay không lại là chuyện khác.
Theo ông Vinh, sáu tháng một lần cơ quan kiểm định lấy mẫu thử nghiệm lại, nếu doanh nghiệp không đạt chất lượng sẽ yêu cầu phải đạt, hoặc có biện pháp mạnh hơn.
Tuy nhiên, thực tế theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới, mũ bảo hiểm có dán tem nhưng chỉ khoảng 46% đảm bảo hấp thụ xung động, có nghĩa chỉ 46% người tiêu dùng mua mũ có dán tem có thể thật sự bảo vệ được đầu của mình, ngay cả khi đội loại mũ đã được Nhà nước chứng nhận hợp quy.
Sự thật này đặt ra câu hỏi các cơ quan kiểm nghiệm, các chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã thật sự làm tốt vai trò quản lý, thẩm định của mình? Bởi lẽ mũ bảo hiểm có tem kém chất lượng vẫn nhiều, trong khi những thông tin kiểm nghiệm bất lợi cho các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm kém chất lượng gần như không có trên mặt báo hay các diễn đàn khác.
Tem được đưa ra bắt buộc phải dán, không dán sẽ bị coi như hàng giả, nhái, không đạt chất lượng... Thế nhưng cấp mà không quản được chất lượng thì cấp làm gì? Người tiêu dùng giờ phải tin vào đâu? Để gần 50% mũ dán tem không đạt chất lượng thì theo một số chuyên gia, thà không có tem còn hơn, bởi tem CR như vậy đã trở thành điểm khiến gần 50% người tiêu dùng mua lầm, và là “vật bảo kê” cho mũ bảo hiểm không đạt chất lượng đánh lừa người tiêu dùng.
Ông Lương Thanh Liêm, giám đốc một nhãn mũ bảo hiểm, đặt vấn đề: có doanh nghiệp từng sản xuất mũ nhựa, mũ kém chất lượng chỉ mất cỡ một tháng đã được phép dán tem CR, trong khi doanh nghiệp của ông mất 4-5 tháng. Không hiểu họ xin kiểu gì mà giỏi quá!
Đến nay, không chỉ ở mũ bảo hiểm, kể cả tem rượu hay các loại tem khác đều đã thấy có “vấn đề”, và có lẽ đã đến lúc cần nghiên cứu, thay đổi cách thức cấp và dán tem.
Cần công khai, minh bạch thông tin liên quan đến kiểm nghiệm và dán tem. Và thay vì để các cơ quan nhà nước cấp quyền dán tem, nên để các hiệp hội làm việc này. Cơ quan nhà nước sẽ chỉ đi kiểm tra, kiểm soát chất lượng và đảm bảo các sản phẩm đã dán tem đảm bảo chất lượng. Có như thế mới tránh được kiểu trách nhiệm nửa vời, để mặc người tiêu dùng tự mua và tự chịu trách nhiệm.

Share

You may also like

Không có nhận xét nào

Leave a Reply

Thư giãn