Gửi Thống đốc trước phiên trả lời chất vấn vàng, nợ xấu

Ôtô - Xe máy

» » Gửi Thống đốc trước phiên trả lời chất vấn vàng, nợ xấu

(Đời sống) - Hôm nay (30/5/2013), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, qua đây có một số vấn đề cần gửi tới Thống đốc, mong được giải đáp.
Quản lý thị trường vàng, hay giúp ngân hàng thương mại?


Cách đây một năm, trước sự lên xuống bấp bênh của giá vàng trong nước vì theo giá thế giới, và sự chênh lệch của giá luôn duy trì ở mức 500.000 – 1 triệu đồng/lượng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho rằng như thế là “không ổn”, có sự đầu cơ làm giá, làm gia tăng nhập lậu vàng, nên tuyên bố chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới chỉ cần 400.000 đồng là hợp lý.
Và để thực hiện điều này, NHNN từng bước độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC, độc quyền nhập khẩu, và tham gia mua – bán vàng miếng. Qua từng bước đi của NHNN, các thương hiệu vàng khác dần biến mất chỉ còn vàng miếng SJC, rồi giá vàng trong nước cứ nới dần khoảng cách với giá vàng thế giới lên 2 rồi 3 triệu đồng mỗi lượng. Tới cuối tháng 3/3013, khi NHNN chính thức tham gia bán vàng thông qua việc đấu thấu vàng miếng SJC, chênh lệch chẳng những không được thu hẹp như tuyên bố trước đó của NHNN mà còn tiếp tục nới rộng thêm, thường duy trì “ổn định” ở mức chênh lệch từ 3-5 triệu đồng mỗi lượng, thậm chí có thời điểm lên tới 7 triệu đồng/lượng.
Khi tham gia đấu thầu vàng, NHNN luôn đưa ra giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường, giá này cao hơn thế giới vài triệu đồng, phần tiền chênh lệch đó sau nhiều tháng để dư luận đồn đoán, đầu tháng năm vừa rồi Thống đốc mới lên truyền hình giải thích tiền đó ngân sách được hưởng.
Rồi người ta đặt câu hỏi, ai mua vàng của NHNN nhiều nhất, và thống kê đưa ra là các ngân hàng thương mại, mua để tất toán trạng thái cho kịp thời hạn 30/6. Vậy xin hỏi Thống đốc, phải chăng việc độc quyền vàng là để NHNN tham gia bán vàng cho ngân hàng thương mại, vì thực tế thị trường vàng biến động mạnh vì các ngân hàng thương mại tăng thu mua, làm vàng trên thị trường khan hiếm, đẩy giá thành lên cao. Trong khi huy động vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại tăng, nhưng tín dụng cho vay lại không tăng tương ứng, và lời giải là tiền được dùng để mua vàng.
Đặt vấn đề nếu NHNN không tham gia đấu thầu vàng, thì chưa biết các ngân hàng thương mại sẽ còn đẩy giá vàng lên bao nhiêu nữa, khi tính từ cuối tháng 3 tới nay, NHNN đã bán ra khoảng 21 tấn vàng. Và cũng chưa biết các ngân hàng thương mại sẽ làm sao để tất toán trạng thái vàng trước 30/6, hay lại như các thời hạn trước, là cho hoãn, giãn tiếp. Việc NHNN đấu thầu vàng thật sự là một cái “phao cứu sinh” được tung ra để các ngân hàng thương mại bấu víu. Chứ nếu không có đấu thầu, chẳng biết tới bao giờ các ngân hàng thương mại mới gom đủ số vàng cần thiết, lúc đó giá vàng chưa biết sẽ đi tới đâu.
Nhưng có một số phiên đấu thầu dù giá không khác các phiên trước và sau đó, nhưng lại không bán được, điều này khiến nhiều người nghĩ thật sự đang có thị trường vàng tốt, khi NHNN đưa giá hợp lý sẽ bán được, không thì ế, nghe ra cũng rất cạnh tranh, lên – xuống rất thị trường. Nhưng nhiều người lại nghi nghờ đấy chỉ là một cách cạnh tranh có “tính toán” của NHNN?
Ngày 30/3, tại phiên họp Ban chỉ đạo công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 127), thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) khẳng định, vàng SJC đã được hưởng lợi từ chính sách coi SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia, trong khi những thương hiệu khác bị phương hại. Đồng thời xuất hiện tình trạng vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào các doanh nghiệp kinh doanh để bán cho dân.
Sau đó thiếu tướng Lực có nói thêm với tờ Tuổi trẻ rằng, Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ nắm bắt tình hình, điều tra về tình trạng vàng giả SJC, vàng kém chất lượng đưa vào bán cho dân.
Vì vậy, ở đây đặt ra câu hỏi với Thống đốc rằng, thiệt hại của những doanh nghiệp khác khi độc quyền vàng miếng SJC sẽ do ai chịu trách nhiệm?
Trong báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 5 của Quốc hội của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nêu rõ: “Tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn khoăn, thiếu tin tưởng của cử tri và nhân dân về năng lực của cơ quan nhà nước hữu quan trong việc quản lý điều hành thị trường vàng”.
Cử tri cũng bày tỏ sự lo lắng trước tình hình bất ổn của thị trường vàng, việc Ngân hàng Nhà nước tham gia bình ổn thị trường vàng nhưng chưa đạt hiệu quả cao, chưa kéo được chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong nước và việc sử dụng vàng.
Đề nghị của nhiều công dân với Nhà nước là cần có giải pháp hiệu quả để quản lý thị trường vàng trong nước với chủ trương là không khuyến khích đầu tư vàng, kéo giảm sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; có kế hoạch dự trữ vàng quốc gia để dự phòng trong những trường hợp cần thiết.
Giải cứu thị trường bất động sản, mua nợ xấu

Không chỉ giúp các ngân hàng thương mại gom được vàng để tất toán, NHNN còn tung ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để hỗ trợ vay mua nhà và vay xây nhà ở xã hội.
Việc này được kỳ vọng là khơi thông thị trường, mà quan trọng hơn, theo nhiều người đó là phá băng thị trường bất động sản, cái được chuyên gia được xem “xấu hơn nợ xấu”, vì trước đây các ngân hàng đã cho vay mua, xây nhà rất nhiều, giờ thị trường đóng băng, nguồn vốn vay không thể thu hồi được, và nếu tiếp tục, phá sản thì ngân hàng thương mại sẽ thiệt hại rất lớn.
Và xin lưu ý rằng, như ông Nguyễn Bá Thanh từng nói nhiều lần, trong quá trình định giá bất động sản cho vay, ngân hàng đã định giá cao hơn giá trị thật nhiều lần để cho vay số tiền lớn – thậm chí cao hơn cả giá trị thật của tài sản thế chấp, nên giờ nếu thị trường không được khơi thông, ngân hàng có lấy tài sản thế chấp về vẫn “nguy to”, khi nếu có bán vẫn không thể thu hồi được tiền vốn vay. Vì vậy nếu thị trường bất động sản được khơi thông, các ngân hàng thương mại may ra sẽ giảm bớt được một phần thiệt hại.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị và một số tỉnh phản ánh ý kiến cử tri cho rằng có vấn đề lợi ích nhóm trong việc giải cứu thị trường bất động sản. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại vì sao Nhà nước phải đứng ra giải cứu thị trường bất động sản, có phải chăng do một số người có cổ phần trong đó nên có những hoạt động chi phối nhằm phục vụ cho lợi ích của mình hay không?
Ngay cả việc thành lập Công ty mua bán nợ quốc gia, một mục đích chính cũng là để mua bán lại các khoản vay để đầu tư bất động sản, tái cấp vốn cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động trước nguy cơ phá sản hiện hữu, khi đã 3 năm qua thị trường bất động sản vẫn nằm im. Và nếu doanh nghiệp phá sản thì hệ lụy với các ngân hàng là không nhỏ, nguy cơ đổ vỡ ngân hàng cũng đã được các chuyên gia tính tới. Và câu hỏi được đặt ra, tại sao lại phải cứu những ngân hàng yếu kém.
Cũng phải nói thêm rằng, người dân có nhu cầu mua nhà, nhưng giá nhà quá cao, diện tích căn hộ quá lớn, giờ nếu công ty mua bán nợ quốc gia mua lại các khoản nợ bất động sản, vậy giá bất động sản sẽ thế nào? Nếu giá tiếp tục giảm, thì kinh doanh của công ty này sẽ lỗ, và như thế là gây thất thoát cho ngân sách nhà nước; còn nếu giá bất động sản không giảm đảm bảo công ty mua bán nợ hòa vốn hoặc có lãi, tức là giá nhà phải được duy trì mức hiện tại thậm chí phải tăng cao hơn trong thời gian tới, nếu như vậy kỳ vọng giá bất động sản tiếp tục giảm xem ra khó thành, giấc mơ có nhà với nhiều người lại càng trở nên xa vời hơn.
Trong 1, 2 năm gần đây NHNN đã nhiều lần thanh tra các ngân hàng được cho là “yếu kém”, tuy kết quả thanh tra không được công bố, nhưng sau đó một số ngân hàng đã buộc phải tái cơ cấu, sát nhập để tránh phá sản vì những khoản cho vay gần như không thể thu hồi.



Trong khi NHNN đang tập trung cho thị trường vàng, bất động sản, nhà băng, thì các doanh nghiệp sản xuất – đối tượng chính kích thích nền kinh tế, tạo việc làm, xuất khẩu thu ngoại tệ về cho đất nước… lại được đánh giá là khó tiếp cận vốn vay để duy trì, mở rộng sản xuất, hoặc phải vay vốn với lãi suất cao (thời gian gần đây lãi vay có giảm nhưng vẫn còn cao). Và chắc chắn, nhiều doanh nghiệp phá sản một phần là do không vay được vốn để tiếp tục hoạt động nên đành đóng cửa. Còn sức mua của người dân tiếp tục giảm, khi đã phải móc những đồng tiền cuối cùng.

Share

You may also like

Không có nhận xét nào

Leave a Reply

Thư giãn