Ở bài trước, chúng ta đã có dịp tìm hiểu về thiết kế của tàu sân bay lớp Nimitz và cách thức những "con chim sắt" hoạt động trên nó. Lần này chúng ta sẽ tìm hiểu về những thiết bị trên tháp chỉ huy, khoang chính và cuộc sống thường ngày trên căn cứ nổi này.
24. USS Abraham Lincoln |
6. Tháp chỉ huy
Đầu não để điều khiển hoạt động của các hàng không mẫu hạm chính là tháp chỉ huy (Island). Cao 46m, rộng 6m do đó nó không chiếm quá nhiều diện tích ở trên sàn bay. Island được phân chia thành nhiều phòng và có độ cao đủ để bao quát toàn bộ sàn bay.
25. Island trên USS Abraham Lincoln |
Phía trên cùng của Island được trang bị hệ thống radar và ăng ten thông tin liên lạc tối tân. Các thiết bị này có thể theo dõi và chặn các tín hiệu từ tàu của đối phương, thậm chí có thể nhận biết được máy bay hoặc tên lửa đang có ý đồ không mấy thiện cảm. Ngoài ra, thiết bị này cũng là nguồn thu nhận tín hiệu từ các vệ tinh quân sự của Hoa kỳ. Hình ảnh dưới đây chụp lại quang cảnh của khu "điều hành bay chủ lực" (được gọi là Primary Flight Control hay Pri-Fly). Chỉ có các sĩ quan không quân và các trợ lý (Air Boss và Mini Boss) mới có đặc quyền bước vào Pri-Fly (tất nhiên là ở đó Obama và bà vợ cũng có quyền ngồi). Trong khu vực này họ sẽ trực tiếp điều hành tất cả các hoạt động bay trên sàn tàu và trong vòng bán kính 8km.
26. Cảnh bận rộn trong Pri-Fly |
Air Boss và Mini-Boss đều là những phi công dày dạn kinh nghiệm. Họ được cung cấp máy tính và các thiết bị liên lạc để kiểm soát tất cả mọi thứ, tuy nhiên phần lớn thông tin lại nhận được bằng cách "dòm" qua cửa sổ (kiểu hải quân). Khi một máy bay tiếp cận được trong vòng bán kính 1,2km thì các sĩ quan sẽ phát tín hiệu hướng dẫn thủ tục hạ cánh.
Dưới Pri-Fly là trung tâm chỉ huy của tàu (Bridge). Đây chính là "cung điện" của vị thuyền trưởng cao quý, họ ngồi trên một chiếc ghế da trang nghiêm điều khiển và theo dõi con tàu thông qua các màn hình máy tính. Tuy nhiên, thuyền trưởng không phải là người lái tàu chính mà là người dơ ngón tay lên để chỉ trỏ, nhờ đó các sĩ quan chỉ huy chính (Helmsman) sẽ điều tiết con tàu bằng cách truyền đạt lại thông tin cho các sĩ quan lái tàu (Lee Helmsman). Ngoài ra, ở trong khu vực này còn có những sĩ quan thông tin, những người chịu trách nhiệm theo dõi và chuyển hướng thông tin, bộ phận cảnh giới và nhân viên hỗ trợ. Khi các sĩ quan chỉ huy không thể có mặt trên Bridge, họ sẽ ủy quyền cho một nhân viên phụ trách khác.
27. Thuyền trưởng David Logsdon của tàu USS Harry Truman. |
28. Lee helmsman (trái) và helmsman trên tàu USS Theodore Roosevelt |
Một điều khá thú vị là hầu hết các sĩ quan chỉ huy tàu sân bay lại thường là các cựu phi công của Hải quân, do đó họ có đủ kiến thức để hiểu được cách thức hoạt động của các chuyến bay. Mặc dù là chỉ huy của một tàu sân bay, nhưng họ lại bị cấm leo vào buồng lái của bất cứ chiếc máy bay nào.
Tương tự Pri-Fly, Bridge được trang bị các màn hình cao cấp cùng nhiều thiết bị định vị toàn cầu GPS và hệ thống điều khiển radar. Tuy nhiên, các sĩ quan ở đây vẫn áp dụng "chiêu" truyền thống: Dựa vào những quan sát thông thường qua cửa sổ để xem xét các hoạt động xung quanh.
Ở dưới Bridge là trung tâm chỉ huy của Đô đốc (ông này mới bự nè!) hay còn gọi là Flag Bridge, phụ trách toàn bộ hoạt động của con tàu. Khu vực này có rất nhiều hoạt động khác nhau bao gồm cả kiểm soát sàn bay và khởi động các biện pháp phòng vệ, chiến đấu. Trong một không gian hẹp và không có cửa sổ, các sĩ quan quản lý máy bay (gọi là Handler hoặc Mangler) và bộ sậu của mình theo dõi tất cả máy bay đang ở trên sàn cũng như ở dưới khoang chứa. Công cụ theo dõi chính được gọi là "Ouija Board", một mặt bàn bằng nhựa phác thảo những chuyến bay đang diễn ra trên sàn tàu và những máy bay đang nằm trong khoang chứa. Mỗi chiếc máy bay được đại diện bởi một mô hình nhỏ, khi máy bay thật di chuyển nó cũng sẽ di chuyển tương tự. Nếu một chiếc máy bay được đưa ra khỏi mặt bàn thì điều đó có nghĩa là nó đang được sửa chữa hoặc gặp các sự cố khác.
29. Các sĩ quan của tàu USS George Washington đang theo dõi trên "Ouija Board". |
Ngoài trung tâm điều khiển ở trên Island thì trong khoang tàu còn được bổ sung những trung tâm kiểm soát khác như trung tâm kiểm soát không lưu của tàu (Carrier Air Traffic Control Center - CATCC), bao gồm nhiều phòng nằm ngay dưới sàn bay. Giống như các trung tâm kiểm soát không lưu trên mặt đất khác, CATCC được trang bị các thiết bị radio và radar hiện đại, trong đó có bộ điều khiển dùng để theo dõi các máy bay lạ trong khu vực (những chiếc máy bay không nằm trong tầm kiểm soát của Air Boss).
Bên cạnh CATCC là trung tâm chỉ huy chiến đấu (Combat Direction Center - CDC). Trách nhiệm chính của CDC là xử lý thông tin đến từ các mối đe dọa bên ngoài để báo cáo đầy đủ cho các sĩ quan chỉ huy.
30. Một nhân viên CATCC đang làm việc trên tàu USS Kitty Hawk. |
31. Theo dõi màn hình trong CDC trên tàu USS Carl Vinson ở vịnh Ba Tư. |
6. Khoang chứa máy bay
Sàn tàu chỉ chứa được một số lượng nhỏ các máy bay chiến đấu, nhưng không thể đủ chỗ đóng quân cho 80 đến 100 chiếc. Khi không được sử dụng, hầu hết các máy bay được bảo quản trong khoang chứa máy bay (Hangar Bay).
Các khoang chứa máy bay nằm ở dưới sàn thứ hai, ngay dưới sàn bếp, với chiều rộng 34m, chiều cao 8m và chiều dài lên tới 209m, chiếm hơn 2/3 chiều dài của con tàu. Nó có thể đủ chỗ cho 60 chiếc máy bay cũng như phụ tùng động cơ phản lực, nhiên liệu, các thiết bị nặng nề khác và được phân chia thành bốn khu nhờ các cánh cửa đặc biệt (để tránh các đám cháy lây lan).
32. Khoang chứa máy bay trên tàu USS Dwight D. Eisenhower |
Có bốn thang máy khổng lồ nằm xung quanh khoang chứa để di chuyển các máy bay từ sàn tàu xuống và ngược lại. Những thiết bị thủy lực tốc độ cao làm bằng nhôm cao cấp này đủ lớn và mạnh để nâng hai chiếc máy bay chiến đấu nặng 34.000kg một cách nhẹ nhàng.
33. Thang máy trên tàu USS George Washington đang chuyển hàng xuống khoang. |
Phía sau của khoang chứa máy bay (nằm sát đuôi tàu) là Phòng bảo trì máy trung gian (Aircraft Intermediate Maintenance Division - AIMD). Có cả nam giới và nữ giới liên tục sửa chữa, kiểm tra các thiết bị bay để đảm bảo tình trạng máy móc luôn ở trong trạng thái ổn định. Đi qua phòng AIMD là khu vực thử nghiệm động cơ cho chân vịt, đây là nơi các thủy thủ bảo trì động cơ phản lực cực kỳ an toàn.
34. Thử nghiệm động cơ cho F-14 trên tàu USS Kitty Hawk |
Thường thì siêu hàng không mẫu hạm được chế tạo rất hợp lý để có thể thực hiện việc cất cánh và hạ cánh cho hàng chục chiếc tiêm kích. Một chiếc siêu tàu thường có chín phi đội trên tổng số 70 đến 80 chiếc chiến đấu cơ. Đáng chú ý nhất trên siêu tàu là những loại sau :
F/A Hornet: máy bay tiêm kích một chỗ ngồi, được thiết kế để sử dụng tấn công các mục tiêu cả trên không trung và mặt đất.
F-14 Tomcat (mèo đực): máy bay siêu âm 2 động cơ, 2 chỗ, cánh cụp cánh xòe dùng để do thám, ném bom và đánh chặn trên không. Tuy nhiên, Mèo đực đã bị loại khỏi biên chế từ năm 2006 và thay vào đó là chiếc F/A-18E/F Super Hornet có tính năng tương tự nhưng vượt trội hơn về sức mạnh.
E-2 Hawkeye: siêu máy bay do thám, phân tích chiến thuật có thể hoạt động trong mọi thời tiết (radar được trang bị trên em này có thể làm nhiễu hệ thống điện tử của đối phương).
S-3B Viking: máy bay phản lực cận âm chủ yếu để đối phó với tàu ngầm đối phương, cứu nạn… Tuy nhiên S-3B hiện đã trở thành quá khứ và được thay thế bằng MH-60 tối tân và hiện đại hơn.
EA-6B Prowler: dùng trong chiến tranh điện tử có nhiệm vụ là rà soát, phá hủy hệ thống radar và truyền thông của đối phương.
SH-60 Seahawk: trực thăng hai động cơ chủ yếu để tấn công tàu ngầm và cứu hộ.
7. Cuộc sống thường ngày trên tàu sân bay
Các siêu hàng không mẫu hạm thường mọi người ca ngợi như một thành phố trên biển với khoảng 5.000 đến 6.000 nhân viên làm việc, thư giãn, ăn và ngủ trong nhiều tháng trời. Tuy nhiên, cách thức hoạt động của nó không giống với bất kỳ thành phố nào khác ở trên đất liền.
35. Các thủy thủ đang rửa sàn bay trên tàu USS George Washington. |
Điểm đầu tiên là các nhân viên ở đây ít có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Sàn bay, khoang chứa, phòng máy, biển và bầu trời tuy là những địa điểm tuyệt vời để tham quan, nhưng đối với họ thì việc này khá nguy hiểm, chỉ vài người có đủ quyền hạn mới thực hiện được, còn hầu hết đều rất bận rộn với công việc. An ninh được thắt chặt rất kỹ lưỡng, các hoạt động nhạy cảm và không gian hạn chế khiến bạn sẽ không biết ai vừa đến hay ai vừa đi. Một thủy thủ có thể làm việc dưới boong tàu cả tháng trời mà không được nhìn ánh sáng ban ngày cũng như xem phim HD.
Không gian của hầu hết các khu vực trên tàu đều chật hẹp hơn so với một thành phố bình thường. Các nhân viên luôn phải đi trong tư thế thẳng đứng và không thể đi song hành trong một hành lang hẹp. Chỗ ngủ là nơi đông đúc nhất, các thành viên sẽ chia sẻ không gian với khoảng 60 người khác trên một… chiếc giường duy nhất, thường được gọi là giá đỡ (racks) và cứ 3 người thì được sở hữu một ngăn. Mỗi người được một ca bin nhỏ dùng để thay và xếp quần áo, thậm chí quần áo và đồ dùng cá nhân cũng phải xếp thẳng đứng, mỗi khoang tàu sẽ được bố trí một phòng tắm và một khu vực nhỏ để xem TV. Mấy anh chàng sĩ quan thì được tận hưởng nhiều không gian và đồ nội thất hơn, tuy nhiên so với chúng ta thì nó vẫn còn quá nhỏ.
36. Tập bắn trên tàu USS Independence. |
37. Đón giao thừa 2011 trong khoang chứa máy bay của tàu USS Theodore Roosevelt. |
Công việc trên này cũng khá đa dạng như trong các thành phố khác. Có khoảng 2.500 đàn ông và phụ nữ sẽ thực sự lái máy bay và duy trì các hoạt động bay. 3.000 người còn lại sẽ phải làm cho con tàu luôn hoạt động ổn định bao gồm rửa chén, nấu ăn, sửa chữa vũ khí, hay "trang điểm" cho các lò phản ứng hạt nhân…
Con tàu có tất cả mọi thứ để cư dân của nó duy trì sự sống. Mặc dù không được thoải mái nhưng họ cũng có nhà bếp, nhà ăn tập thể đủ phục vụ cho 18.000 bữa ăn trong một ngày. Ngoài ra còn có các thứ khác như cơ sở giặt ủi, nha sĩ và bác sĩ, các cửa hàng và bốt điện thoại giúp các thành viên liên lạc với người thân thông qua vệ tinh.
38. Trên ảnh là hai người lính đang "vui vẻ" nói chuyện qua điện thoại từ tàu USS Harry S. Truman. |
Cuộc sống trên một tàu sân bay không thể phủ nhận những khó khăn và áp lực, nhưng nó cũng đầy lạc quan. Tốt và xấu, ở đây cũng giống như bất cứ nơi nào trên hành tinh chúng ta.
8. Danh sách các tàu sân bay lớp Nimitz hiện đang hoạt động của hải quân Mỹ:
CVAN-68 Nimitz (1975)
CVN-69 Dwight D. Eisenhower (1977)
CVN-70 Carl Vinson (1981)
CVN-71 Theodore Roosevelt (1986)
CVN-72Abraham Lincoln (1989)
CVN-73George Washington (1992)
CVN-74John C. Stennis (1995)
CVN-75Harry S. Truman (1998)
CVN-76Ronald Reagan (2003)
CVN-77George H.W. Bush (2009)
Hải quân Mỹ là đội quân tinh nhuệ và mạnh mẽ nhất thế giới, luôn có được cảm giác phê tột cùng với những vũ khí tối tân, hiện đại. Nhưng trên hết, đó là lòng yêu nước đang hiện hữu trong từng giọt máu của họ.
(Theo hdvietnam)
Không có nhận xét nào