(Songmoi) - Thời gian thông qua Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được lùi tới kỳ họp thứ 6, vào tháng 10 năm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết chiều nay, 20/6. Đồng thời, Quốc hội cũng tiến hành trưng cầu ý kiến về quyền sở hữu đất đai.
Trưng cầu ý kiến đại biểu có thể làm thay đổi quyền sở hữu về đất đai hay không? |
Trong tờ trình gửi các đại biểu chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đa số đại biểu đồng ý lùi thời gian thông qua các dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và Luật đất đai (sửa đổi) vào kỳ họp cuối năm. Thậm chí, một số ý kiến còn đề nghị cân nhắc lui hẳn lại một năm để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý.
Theo Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) có tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của đất nước và người dân, một số nội dung có liên quan dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; đồng thời, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 vẫn đang được chỉnh lý. Vì vậy, việc thông qua dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) sẽ được tiến hành sau khi thông qua Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) tại kỳ họp tới, và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.
Cũng trong chiều 20/6, các đại biểu đã nhận được phiếu xin ý kiến về 12 nội dung quan trọng. Trong số này đáng nói nhất là việc đồng ý, không đồng ý hoặc ý kiến khác về điều 4 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này”.
Câu hỏi về quyền sở hữu đất đai đã được đặt ra tại phiên thảo luận về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) ngày 17/6, bởi đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng). Chưa rõ việc thăm dò ý kiến 500 đại biểu lần này có thể tác động ra sao đến một trong những nội dung được coi là “bất di bất dịch” của Hiến pháp và Luật đất đai. Theo báo cáo của Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đã lấy hơn 7 triệu ý kiến đóng góp của người dân. Nhưng theo đại biểu Thuyền, đa số nhân dân mong muốn quyền sở hữu đất ở, chứ không phải sở hữu toàn dân như báo cáo
Không có nhận xét nào