(Dân Việt) - Tuần qua, Quốc hội đã dành 2 ngày thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đề cập tới 2 điều liên quan tới sở hữu đất đai và thu hồi đất (Điều 57, 58), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có ý kiến khác nhau.
Trong đó, có nhiều ý kiến không tán thành nội dung thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế. NTNN trích đăng một số ý kiến về vấn đề này.
Ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội: Vẫn đang còn ý kiến khác nhau
Về sở hữu đất đai và thu hồi đất, Quốc hội tiếp tục khẳng định quan điểm đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trao quyền sử dụng đất và thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng…
Riêng việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì vẫn đang còn ý kiến khác nhau. Trong đó có ý kiến đề nghị nên được quy định cụ thể trong Luật Đất đai tới đây.
(Trích phát biểu tóm tắt của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sau phiên chủ trì thảo luận góp ý về Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, ngày 4.6.2013).
Đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình): Có 4 lý do để không tán thành
Tại khoản 3, Điều 58, tôi không tán thành quy định Nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, cùng chung với các lý do như quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vì:
Thứ nhất, về mục tiêu yêu cầu của các dự án phát triển kinh tế - xã hội không đồng nhất với các mục tiêu, yêu cầu về quốc phòng an ninh quốc gia công cộng.
Thứ hai, chủ thể tham gia hưởng lợi vào việc thu hồi đất bình đẳng với việc người thu hồi đất được thu hồi đất của người sản xuất lại giao cho người khác sản xuất kinh doanh cũng chưa thuyết phục.
Thứ ba, nội hàm của khái niệm kinh tế - xã hội rất rộng, khó kiểm soát và bị lợi dụng, điều này thực tiễn đã chứng minh trong thời gian vừa qua.
Thứ tư, đất đai không chỉ là tài sản thông thường mà còn là tư liệu sản xuất, nguồn sống chính của người nông dân. Đất ở gắn với nhà cửa nơi cư trú sinh sống hàng ngày của người dân. Do vậy, khi Nhà nước thu hồi đất có tác động rất lớn tới đời sống của người dân nên chúng ta phải rất cẩn trọng cân nhắc kỹ lưỡng.
Đại biểu Nguyễn Văn Thanh (đoàn Vĩnh Long): Phải cân nhắc thật kỹ và “có chế định”
Ở khoản 3, Điều 58, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các trường hợp thu hồi đất do luật định, việc thu hồi đất phải có bồi thường, công khai minh bạch, công bằng và do luật định. Tôi nhất trí quy định Nhà nước thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là cần thiết, quyền lợi người sử dụng đất được bảo đảm như dự thảo.
Nhưng tôi đề nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cân nhắc quy định việc thu hồi đất do tổ chức cá nhân đang sử dụng cho các dự án phát triển kinh tế, nhằm bảo đảm tính khả thi, tính hợp lý của điều luật, tôi đề nghị nên tách thành một khoản mục, Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện các dự án phát triển kinh tế và cần có chế định, việc thu hồi đất cần công khai, minh bạch, công bằng, có sự đồng thuận của người có quyền sử dụng đất, có đất bị thu hồi.
Đại biểu Giàng Thị Bình (đoàn Lào Cai): Thay thế “thu hồi” bằng “trưng mua”
Về vấn đề thu hồi đất quy định tại Điều 58, khoản 3, tôi đề nghị bỏ cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” và cụm từ “thu hồi” được thay thế bằng “trưng mua”, bởi vì dự thảo đã có quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ, do vậy chỉ nên thu hồi khi có vi phạm về quyền sử dụng đất. Còn lại Nhà nước cần trưng mua để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất hợp pháp, quy định như vậy cũng phù hợp với quy định tại Điều 33 của dự thảo.
Dự thảo cũng đã có quy định Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng – an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Quy định như vậy đã bao hàm đầy đủ các nội dung, trong đó có cả mục đích phát triển kinh tế - xã hội, do vậy không nên có cụm từ “và các dự án phát triển kinh tế - xã hội” để tránh tình trạng lạm dụng gây thiệt thòi, cho lợi ích của nhân dân. Đồng thời tôi đề nghị quy định việc bồi thường đất phải theo giá thị trường để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người đang sử dụng đất, không nên quy định chung chung là “theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi): Không đồng nhất quyền sở hữu và sử dụng
Về sở hữu đất đai tại Điều 57, tôi thống nhất như dự thảo. Tuy nhiên, tôi đề nghị không đồng nhất 2 quyền sở hữu đất đai và quyền sử dụng đất. Khẳng định quyền sử dụng đất thuộc về tổ chức, cá nhân sử dụng đất và có giá trị. Tôi đề nghị cân nhắc lại khoản 2, Điều 58 khi quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ. Tài sản chính là của cải, vật chất dùng vào mục đích sản xuất hoặc tiêu dùng. Khi phân loại tài sản theo chu kỳ sản xuất ta có tài sản cố định và tài sản lưu động. Nếu phân loại tài sản theo đặc tính cấu tạo của vật chất, ta có tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Các loại tài sản này có chu kỳ sử dụng trong dài hạn.
Tài sản hữu hình được định danh khi có một số đặc tính riêng như thuộc sở hữu của ai đó, có thể trao đổi được, có thể mang giá trị tinh thần và vật chất. Nếu quy định giá trị sử dụng đất là tài sản thì ta có phải thực hiện như quy định của Điều 23 Hiến pháp năm 1992 là tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hóa không. Trong trường hợp thật cần thì vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường hay không. Tôi đề nghị cân nhắc thêm quy định này.
Đại biểu Trần Hồng Hà (đoàn Vĩnh Phúc): Chỉ nên thu hồi đất với 3 trường hợp
Về vấn đề thu hồi đất, tôi đề nghị chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp vì lý do quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia và vì lợi ích công cộng. Không quy định thu hồi đất vì lý do các dự án phát triển kinh tế - xã hội, bởi các dự án phát triển kinh tế - xã hội đều nhằm đến mục đích cao nhất là phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, lợi ích của nhân dân. Đồng thời ngăn chặn tình trạng thu hồi đất tràn lan dẫn đến tình trạng lãng phí đất đai, sử dụng đất không hiệu quả gây nhiều bức xúc đối với nhân dân trong thời gian vừa qua.
Không có nhận xét nào