(Infonet) - Đằng sau những cái bắt tay ngoại giao và nụ cười của các nhà lãnh đạo là việc quân đội Mỹ và Trung Quốc vẫn đang ngày đêm chuẩn bị mọi thứ để phục vụ cho kịch bản là một cuộc chiến tranh tổng thể giữa 2 nước.
Hiếm khi nào mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ “nồng ấm” như hiện tại. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đã đồng ý tham gia vào cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm lượng khí thải. Tại Hội nghị thượng đỉnh hồi tháng trước, cả Barack Obama và Tập Cận Bình đã đồng ý về một cách thức mới để tiếp cận vấn đề Triều Tiên. Trung Quốc đã cho tăng giá đồng tiền của mình, làm giảm đáng kể sự hậm hực và khó chịu của các nghị sỹ Mỹ khi cho rằng chính sách định giá đồng tiền thấp là “trò bẩn” nhằm thu lợi từ xuất khẩu của Trung Quốc...
Nhưng ở một góc khác của “sự nồng ấm” này là cả Lầu Năm Góc và Quân đội Trung Quốc đều không chịu giảm tốc cuộc đua tăng cường trang bị nhằm phục vụ cho một cuộc chiến tranh tổng thể bất chấp chúng ngốn một nguồn ngân sách cực lớn. Quan chức quân đội cả 2 nước đều cho rằng một cuộc chiến tranh như vậy sẽ xảy ra.
Trong trường hợp của Hoa Kỳ, điều đặc biệt là toàn bộ quá trình chuẩn bị chiến tranh này không được sự chấp thuận của Nhà Trắng hay Quốc hội. Lầu Năm Góc thực hiện nó trên cơ sở triển khai một chiến lược toàn cầu và khái niệm “Không Hải chiến”, trong đó quân đội Mỹ và Không quân bảo vệ sự hiện diện của 320.000 quân Mỹ trong khu vực bằng cách chuẩn bị sẵn sàng cho mình một lực lượng đầy đủ quy mô, đủ sức tấn công Trung Quốc cả trên biển và trên không trong trường hợp xảy ra một mối đe dọa ở Biển Đông hoặc khu vực xung quanh.
Trong một bài báo phân tích chi tiết về vấn đề này của tạp chí Yale (Mỹ), chuyên gia Amitai Etzioni hỏi: "Ai đã cho phép chuẩn bị cho chiến tranh với Trung Quốc?". Trong thực tế, chính trị và ngoại giao đã được di chuyển theo hướng ngược lại. "Nước Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh với Trung Quốc, một quyết định quan trọng mà không được Nhà Trắng và Quốc hội xem xét kỹ lưỡng. Có vẻ như kịch bản về việc nên hay không sử dụng vũ lực với vấn đề hạt nhân của Iran hay việc quyết định có đưa quân vào Afghanistan hay không, hồi năm 2009", giáo sư Etzioni viết.
Lực lượng quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương. |
Nhưng kế hoạch “Không – Hải chiến” hàm chứa rất nhiều sự tốn kém và nguy hiểm. Kết quả lý tưởng của “Không – Hải chiến” là khả năng kết thúc một cuộc xung đột với Trung Quốc theo cách tương tự như Mỹ chấm dứt Thế chiến II: Quân đội Mỹ đánh bại Trung Quốc và ra các điều kiện đầu hàng. Đây là một sự thay đổi mạnh mẽ từ cách tiếp cận của cuộc chiến tranh lạnh, với nguy cơ về một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô đã được phòng trừ một cách cẩn thận.
Nhưng kế hoạch này cũng khiến nhiều quan chức quân sự Mỹ “sợ hãi”. "Không – Hải chiến sẽ hủy diệt Trung Quốc", ông James Cartwright, cựu Phó chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ, đã cảnh báo. "Nó không mang lại lợi ích cho bất cứ ai". Một nghiên cứu đánh giá của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã cảnh báo rằng khái niệm này là "vô cùng tốn kém để xây dựng trong thời bình" và nếu được sử dụng nó sẽ "gây ra sự tàn phá khôn lường về con người và kinh tế” và nó sẽ làm cho một cuộc chiến tranh hạt nhân đến nhanh hơn.
Tất nhiên là Trung Quốc không chịu “ngồi yên” để Mỹ muốn làm gì thì làm. "Nếu quân đội Mỹ phát triển “Không – Hải chiến” để đối phó với Trung Quốc thì Trung Quốc cũng buộc phải phát triển các chiến lược chống lại nó", Đại tá Gauyue Fan cảnh báo.
Trung Quốc tập trận |
Và hiện tại Trung Quốc cũng đang cấp tốc chuẩn bị. Ngay sau khi tiếp quản các chức vụ cao nhất trong hệ thống Đảng và Chính phủ Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã bỏ rơi cam kết "trỗi dậy hòa bình" của người tiền nhiệm, nắm quyền chỉ huy trực tiếp của Ủy ban Quân ủy Trung ương và chỉ đạo quân đội nước này phải chuẩn bị cho các "cuộc chiến đấu thực sự" và "chiến đấu và chiến thắng các cuộc chiến tranh".
Tờ The Wall Street Journal ghi nhận gần đây, ông Tập đã phục hồi một nhóm các tướng siêu hiếu chiến và cố vấn quân sự, những người đã ủng hộ một chiến lược quân sự dựa trên chuẩn bị cho cuộc đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ. Ông Tập còn sử dụng những lý thuyết của Đại tá Lưu Minh Phúc, người đã từng có lời kêu gọi cạnh tranh quân sự trực tiếp với Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn “thả lỏng xích” để cho phép viên đại tá Đới Húc tuyên bố một cách vô cùng xấc xược rằng, rằng các nước láng giềng của Trung Quốc đang "là những con chó của Hoa Kỳ ở châu Á" và "chúng ta chỉ cần giết một con, ngay lập tức những con khác sẽ bỏ chạy”.
Rõ ràng, cả Mỹ và Trung Quốc đang đứng ở những vị trí rất “vô lý” bởi hai siêu cường đang cố gắng hòa bình với nhau trong khi quân đội của họ lại chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực. Tình trạng nguy hiểm này khiến người ta không khỏi nhớ lại sự khởi đầu của cuộc Đại chiến thế giới lần I năm 1914, khi chỉ cần một hành động sai lầm đã đẩy cả thế giới vào một cuộc chiến tàn khốc.
Không có nhận xét nào