Thưa các anh chị,
Một đồng nghiệp của tôi vừa mới hoan hỉ thông báo, anh vừa thắng trong vụ điều trần trước tòa về việc cảnh sát phạt anh tội đỗ xe ngoài đường trong lúc cấm.
Anh bảo, không phải nộp 30 USD khiến anh vui một, thì một sự trải nghiệm về cái gọi là tiếp dân ở đây khiến anh vui mười.
Để tôi kể cho anh chị nghe đầu đuôi câu chuyện.
Anh mua thẻ đỗ xe ngoài đường cả năm chỉ hết 35 USD mà rất tiện, có thể tìm bất cứ chỗ nào gần nhà mà không bị cấm là được đỗ xe ở đó. Nhưng cái chỗ anh đỗ xe ấy hôm đó bỗng nhiên người ta chặt cây, thế là treo biển cấm đỗ. Anh đi công tác ở mãi miền Tây Nam nước Mỹ từ hôm trước khi có dán thông báo, nên cái xe cứ nằm chỏng chơ ở đó, “ăn” ngay một cái vé phạt.
Anh ấm ức, không nộp phạt mà làm theo một trong các chỉ dẫn trong vé phạt, gọi điện thoại tới Sở giao thông khiếu nại đòi xin một cuộc hầu tòa.
Chỉ một tuần sau, tòa thu xếp cho anh một cuộc điều trần với sự tham dự cả nhân viên thực thi luật pháp đã ghi vé phạt trong vai bị cáo và một thẩm phán được chỉ định ngẫu nhiên. Anh bảo tiếng Anh tôi không phải tiếng mẹ đẻ, thế là tòa nối máy để một ai đó dịch cho anh từ đầu tới cuối qua điện thoại bật loa hoàn toàn miễn phí.
Anh bảo, điều anh băn khoăn nhất là liệu thẩm phán có đứng về phía chính quyền trong khi mình là người nước ngoài. Nhưng điều đó đã được xóa bỏ chỉ sau vài phút.
Họ cho rằng việc dán biển thông báo cấm đỗ xe chỉ trước một ngày là không đúng với quy định, và trường hợp của anh như thế là bất khả kháng. Anh thắng kiện, trả lại vé phạt, nhận được cái bắt tay kèm theo lời xin lỗi.
Chắc anh chị sẽ có người hỏi rằng liệu có thể hệ thống hành pháp và tư pháp của Mỹ tỏ ra nhã nhặn, mềm mỏng với người nước ngoài?
***
Tôi lại kể câu chuyện khác của chị Therese Tarleton chủ một cửa hàng chuyên mua bán đĩa than, CD âm nhạc cũ ở College Park, bang Maryland mà tôi hay ghé qua trao đổi đĩa.
Chị đi xin bảo hiểm y tế của chính phủ theo chương trình Medicaid cho ba đứa con nhưng bị từ chối. Sở Dịch vụ Nhân sinh (Human Service Department) gửi thư về gia đình chị thông báo quyết định với hàng loạt lý do được liệt kê từ chuyện thu nhập thấp cho tới thiếu thông tin cá nhân, trong đó có chuyện chị vừa chuyển từ bang Iowa tới.
Therese quyết định kiện và người ta cũng thực hiện một phiên điều trần với đầy đủ các thủ tục như tôi đã kể trong câu chuyện đầu tiên. Chị Therese chia sẻ kinh nghiệm, rằng chị chẳng cần phải tỏ ra đau khổ, mà tự bản thân thẩm phán luôn diễn giải và áp dụng các điều luật trên tinh thần có lợi cho chị trong những trường hợp 50-50. Chị bảo đó là tinh thần bảo vệ thiểu số và kẻ yếu.
Những gì mà anh bạn tôi cùng với chị Therese và hàng triệu người Mỹ khác trải qua ấy được thực hiện theo cái gọi là bảo vệ quyền của người dân trước sự lạm quyền của chính quyền thực ra chẳng phải là kết quả của đợt cải cách nào cả. Nó được Hiến pháp nước này với các Tu chính án thứ năm, sáu và bảy quy định cách nay hơn hai trăm năm, suốt từ cuối thế kỷ 18.
(Theo Alan Phan)
Không có nhận xét nào