Quốc hội và cử tri thất vọng về cách điều hành thị trường vàng
(Songmoi) - Cả cử tri và các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều lên tiếng cho thấy người dân dường như không chia sẻ với lối điều hành thị trường vàng theo kiểu độc quyền và bất cần dư luận của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Thời gian qua, dư luận xã hội đã nhiều lần thể hiện thái độ đối với lối điều hành thị trường vàng của NHNN, từ hy vọng, cho tới băn khoăn, hồ nghi, thậm chí cả bất bình, và bất lực. Song những dư luận ấy, dẫu được phản ánh liên tục qua báo chí, truyền hình cũng không khiến NHNN có bất kỳ dấu hiệu “chuyển ý” nào. Người đứng đầu cơ quan này thậm chí vẫn khẳng định, chênh lệch giá lớn, vàng đắt là có lợi cho dân. Người ta có thể ngầm hiểu, khoản chênh lệch ấy sẽ đi vào ngân sách. Song ngân sách đối với người dân lại như một khái niệm xa vời, so với những nỗi lo thường nhật. Để con số hàng ngàn tỷ đồng ấy quay ngược trở lại phục vụ cho xã hội, mang lại hiệu quả cụ thể như giảm được 1 đồng tiền xăng, dãn đà tăng của giá điện được thêm một ngày, hay giảm được 1% lãi suất cho nông dân gặp khó,… gần như không đo lường, kiểm soát được. Thêm vào đó, số tiền ngân sách thu được từ chênh lệch giá vàng cũng quá nhỏ bé so với con số thua lỗ và nợ xấu hàng trăm nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Vừa qua, trong gần 2.000 ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam và UBTV Quốc hội trước kỳ họp thứ V, khóa 13, rất nhiều ý kiến đã thể hiện sự quan ngại đối với tình trạng phát triển thiếu bền vững của nền kinh tế. Theo đó, nội dung của các ý kiến cho thấy: “Tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới hiện nay dẫn đến sự băn khoăn, thiếu tin tưởng của cử tri và nhân dân về năng lực của cơ quan nhà nước hữu quan trong việc quản lý điều hành thị trường vàng". (Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri).
Trước đó, trong Nghị quyết của Quốc hội cuối năm ngoái, cơ quan này đã giao nhiệm vụ cho NHNN phải kéo sát giá trong nước về với thế giới và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người nắm giữ vàng. Thời điểm đó, giá trong nước đắt hơn thế giới trên dưới 3 triệu đồng mỗi lượng. Vậy mà sau nửa năm, những gì đang diễn ra trên thị trường vàng đã cho thấy điều ngược lại. Không những khoảng cách về giá không được thu hẹp, mà lại nới rộng gấp đôi so với thời điểm mà Nghị quyết trên ra đời. Tính đến ngày hôm nay, 23/5, giá vàng SJC bán ra ở mức 40,78 triệu đồng/lượng, cao hơn 5,9 triệu đồng/lượng so với giá giao dịch 1.378 USD/ounce trên thị trường thế giới.
Tại buổi thảo luận tổ về tình hình KT-XH sáng 22/5 vừa qua, ĐBQH Huỳnh Ngọc Ánh đoàn TP HCM, Phó chánh án TAND TP HCM đã thể hiện phản ứng về cách điều hành thị trường vàng bất thường của NHNN.ĐB Ánh cho rằng, phản ứng của xã hội cho thấy thị trường vàng đang vận hành theo một cơ chế độc quyền.
Ông Ánh cũng nhắc lại lời hứa của Thống đốc NHNN vào kỳ họp QH thứ IV, khi đó Thống đốc đã hứa sẽ kéo giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới. Sau phiên giải trình 6 tháng, ĐB Ánh đã so sánh giữa thiệt hại mà nhân dân phải gánh chịu và kết quả đạt được, và khẳng định, “Người dân chịu thiệt nhiều hơn”! Đồng thời, một trong những yếu tố được đánh giá là nghiêm trọng theo vị ĐB này: “Thống đốc và Chính phủ không thực hiện được nghị quyết của Quốc hội về việc kéo giá vàng trong nước và giá vàng thế giới thu hẹp khoảng cách”.
Trong khi đó, ĐB Trần Thị Diệu Thúy cũng thể hiện sự bất bình trước lối điều hành của NHNN: “Cách làm như hiện nay rõ ràng NHNN đang đi buôn vàng chứ không phải là quản lý thị trường vàng. Mặt khác, Chính phủ đã có Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng song hoạt động của NHNN lại vượt ra ngoài các quy định đó”.
Tuy nhiên, dường như các ý kiến trái chiều, bất đồng quan điểm với chính sách quản lý vàng xuất phát từ phía người dân, chuyên gia kinh tế, hay kể các ĐBQH cũng chỉ như “ném đá ao bèo”, hầu hết đều rơi vào thinh không, vô tác dụng. Con tàu “vàng” do NHNN bẻ lái vẫn phăm phăm thẳng tiến theo hướng mà người dân không mong đợi.
Không có nhận xét nào